Tìm hiểu 7 giá trị lỗi của công thức

Excel có 7 giá trị lỗi của công thức gồm: #DIV/0!, #N/A, #NAME?, #NULL!, #NUM!, #REF! và #VALUE!

1. Lỗi #DIV/0! 

Lỗi #DIV/0! là do công thức thực hiện phép chia cho không.
Lỗi #DIV/0! có thể xuất hiện trong các tình huống sau
Ø Các tham chiếu dẫn đến một ô rỗng hoặc một ô chứa giá trị bằng 0. Bạn hãy kiểm tra các ô được tham chiếu trực tiếp và gián tiếp trong công thức để tìm ra nguyên nhân.
Ø Đối với một bảng tính có yêu cầu người dùng nhập dữ liệu vào. Nếu công thức của bạn đòi hỏi một phép chia với một trong các ô rỗng tạm thời, nó sẽ hiển thị #DIV/0! dưới dạng kết quả. Và điều này có thể gây khó chịu cho người dùng. Bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách yêu cầu Excel không thực hiện phép chia nếu ô được sử dụng làm số chia là 0. Bạn có thể thực hiện điều này với hàm IF(logical_test, value_if_true, value_if_false). Ví dụ: bạn xem công thức = A2/B2; để khắc phục lỗi #DIV/0! xuất hiện khi ô B2 là rỗng (hoặc bằng 0) bạn nên sửa công thức trên như sau =IF(B2=0; “”; A2/B2).
Ø Bạn nhập một đối số không thích hợp trong một số hàm. Ví dụ: hàm Mod(number, divisor) trả về #DIV/0! nếu đối số thứ hai là 0.

2. Lỗi #N/A

Lỗi #N/A là do công thức không thể trả về một kết quả hợp lệ.
Lỗi #N/A có thể xuất hiện khi bạn sử dụng một đối số không thích hợp (hoặc nếu bạn bỏ qua một đối số bắt buộc) trong một hàm. Ví dụ: hàm VLOOKUP(lookup_value; table_array; col_index_num; range_lookup) sẽ trả về giá trị #N/A nếu lookup_value không có trong table_array với range_lookup là 0; để khắc phục lỗi #N/A trong trường hợp này bạn có thể dùng hàm IFERROR(VLOOKUP(lookup_value; table_array; col_index_num; range_lookup); “”).
3 Lỗi #NAME?

Lỗi #NAME? là do Excel không thể nhận biết một cái tên mà bạn sử dụng trong công thức.
Lỗi #NAME? có thể xuất hiện trong các tình huống sau
Ø Bạn nhập sai chính tả (nhập không đúng) một tên dãy.
Ø Bạn dùng một tên dãy mà bạn chưa định nghĩa.
Ø Bạn nhập sai chính tả (nhập không đúng) một tên hàm.
Ø Bạn sử dụng một hàm thuộc một Add-in chưa cài đặt.
Ø Bạn sử dụng một chuỗi mà không đặt chúng trong một cặp dấu nháy kép
Ø Bạn nhập một tham chiếu dãy mà vô tình bỏ sót dấu hai chấm (:)
Đây đều là các lỗi về cú pháp, do đó sửa chúng nghĩa là phải kiểm tra kỹ lại công thức, hiệu chỉnh tên dãy hoặc tên hàm bị nhập sai, hoặc chèn thêm các dấu nháy kép, dấu hai chấm bị thiếu… Bên cạnh đó, phải đảm bảo rằng bạn đã định nghĩa các tên dãy được sử dụng và đã cài đặt các Add-in thích hợp cho những hàm mà bạn dùng.

4. Lỗi #NULL! 

Lỗi #NULL! là một trường hợp lỗi rất riêng biệt trong Excel.
Lỗi #NULL! xuất hiện khi bạn dùng toán tử giao (một khoảng trắng) trên hai dãy không giao nhau (không có ô chung). Ví dụ: dãy A1:B2 và dãy C3:D4 không có ô chung nào cả nên công thức =SUM(A1:B2 C3:D4) sẽ trả về #NULL! dưới dạng kết quả. Bạn hãy kiểm tra lại các tọa độ dãy để đảm bảo rằng chúng chính xác. Ngoài ra, việc kiểm tra còn để xem có phải nguyên nhân làm cho hai dãy trong công thức của bạn không còn giao nhau có phải là một trong hai dãy đã bị di chuyển hay không.

5. Lỗi #NUM! 

Lỗi #NUM! là do có vấn đề gì đó với một con số trong công thức của bạn.
Lỗi #NUM! có thể xuất hiện trong các tình huống sau
Ø Bạn đã nhập một đối số không hợp lệ trong một hàm toán học hay một hàm lượng giác.
Ø Bạn sử dụng sự lặp đi lặp lại mà Excel không thể tính được kết quả.

6. Lỗi #REF! 

Lỗi #REF! là do công thức của bạn chứa một tham chiếu ô không hợp lệ.
Lỗi #REF! có thể xuất hiện trong các tình huống sau
Ø Bạn xóa một ô mà công thức tham chiếu đến. Bạn cần phải trả lại ô đó vào bảng tính bằng lệnh Undo hoặc điều chỉnh tham chiếu của công thức.
Ø Công thức của bạn tham chiếu đến một địa chỉ ô không hiện hữu như là ô B0. Điều này có thể xảy ra nếu bạn cắt hoặc sao chép một công thức đang sử dụng các tham chiếu tương đối và dán nó theo một cách nào đó tạo ra một địa chỉ ô không hợp lệ. Ví dụ: công thức của bạn đang tham chiếu đến ô B1; nếu bạn cắt hay sao chép ô chứa công thức này và dán nó cao hơn 1 hàng thì khi đó tham chiếu B1 trở thành tham chiếu B0; đây là một tham chiếu không hiện hữu.

7. Lỗi #VALUE! 

Lỗi #VALUE! là do bạn đã sử dụng một đối số không thích hợp trong một hàm.
Lỗi #VALUE! có thể xuất hiện trong các tình huống sau
Ø Bạn sử dụng nhầm kiểu dữ liệu. Ví dụ: lẽ ra phải nhập một giá trị số, bạn lại nhập vào một giá trị chuỗi hay lẽ ra phải sử dụng một ô đơn lẻ, bạn lại sử dụng một tham chiếu dãy.
Ø Bạn sử dụng một giá trị vượt quá khả năng xử lý của Excel.

Các bài liên quan

Cập nhật số liệu thủ công
Dùng F9 để tính tạm thời
Tra cứu Hàm Excel 2007
Giới thiệu công thức mảng
Giới thiệu tên (name) trong Excel
Tham chiếu tuyệt đối và tương đối trong Excel
Tra cấp kính dựa vào đường kính
Kết hợp văn bản trong nhiều cột





0 comments :