Vài cách chọn lựa thực phẩm

1. Thịt tươi
- Chọn loại thịt đã qua kiểm dịch thú y và đạt các tiêu chuẩn thịt tươi.
- Về cảm quan: Thịt có màng ngoài khô, mùi và màu sắc bình thường, không bị nhớt, thớ thịt mịn đều, không có các bọc tròn nhỏ trắng xen kẽ giữa các thớ thịt, bắp thịt (kén giun sán)...
- Sờ vào khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào khối thịt có vết lõm ngón tay nhưng khi nhấc ngón tay ra không để lại dấu vết rõ ràng.
2. Cá tươi
- Tốt nhất là chọn cá còn bơi trong nước, cử động giãy giụa...
- Nếu cá đã chết cần đạt các yêu cầu sau:
   + Bụng bình thường, hậu môn thụt sâu có màu trắng nhạt.
   + Thân cá co cứng, miệng ngậm cứng, mắt trong suốt/giác mạc đàn hồi, mang cá màu đỏ tươi hoặc màu hoa khế dán chặt xuống, vảy tươi óng ánh dính sát vào thân...
   + Khối thịt rắn chắc, đàn hồi, cảm nhận khối thịt dính chặt vào xương sống...
3. Trứng gà, vịt
- Soi trên nguồn ánh sáng (mặt trời, bóng đèn điện): trứng tươi soi thấy màu hồng đều, trong suốt, có một chấm hồng ở giữa, không có vật gì lạ ở trong..., túi khí có đường kính không quá 1 cm, đường bao quanh cố định...
- Thả vào dung dịch nước muối 10%:
   + Trứng chìm xuống đáy: trứng mới đẻ trong ngày.
   + Trứng lơ lửng trong dung dịch: trứng đã đẻ khoảng 3 - 5 ngày.
   + Trứng nổi trên mặt dung dịch: trứng đã đẻ quá 5 ngày.
- Phương pháp lắc trứng
   + Cầm quả trứng giữa hai ngón tay trỏ và ngón cái.
   + Trứng mới đẻ lắc không kêu, lắc càng kêu chứng tỏ trứng càng để lâu.
4. Thủy hải sản
- Hạn chế mua các thủy hải sản bán ở những khu chợ cá gần bãi rác, là nơi có nhiều ruồi nhặng sẽ truyền nhiều loại vi khuẩn vào tôm, cá, thịt... Khi mua về sẽ dễ bị ngộ độc thực phẩm nếu trong khâu xử lý chế biến không triệt để cẩn thận.
- Không ăn, mua về ăn các loại cá có độc tố như cá nóc dù là tươi hoặc phơi khô..., không ăn, mua về ăn các loại thủy hải sản bị ươn, ướp bằng chất bảo quản..., không nên ăn sống hoặc tái một số loài cá nước ngọt như cá lóc, cá trắm cỏ vì dễ có sán hoặc tôm càng xanh vì dễ nhiễm vi khuẩn thương hàn Salmonella...
- Không ăn, mua về ăn các loại cá do đánh bắt bằng chất nổ, độc chất cyanur, thịt cá bở, có mùi khó chịu...
- Các loại cá hộp, đông lạnh phải còn bao bì nguyên vẹn, và có xuất xứ, hạn sử dụng... rõ ràng.
- Mua nghêu sò ở chợ là một việc khó khăn. Chỉ cần một con chết thôi nếu tinh ý sẽ cảm thấy có mùi khó chịu, tốt nhất là không nên mua về ăn...
5. Thực phẩm đóng hộp
- Hình dạng bên ngoài hộp: hộp phải sáng bóng, kín, không gỉ, không phồng hộp... Riêng về phồng hộp có 3 loại là:
   + Phồng lý (khi ấn vào nắp hộp lồi, nắp dễ dàng trở lại trạng thái bình thường hoặc lồi về phía đáy hộp và ngược lại, loại hộp này có thể sử dụng được)
   + Phồng hóa (khi ấn vào nắp hộp lồi, nắp hộp không trở lại bình thường được, để sau 5 - 7 ngày nếu không thay đổi rõ rệt, ăn vào dễ bị ngộ độc)
   + Phồng vi sinh học (khi ấn vào nắp hộp lồi, nắp không trở lại bình thường được, để sau 5 - 7 ngày thấy nắp căng phồng hơn, rất nguy hiểm khi ăn phải)...
- Hình dáng bên trong:
   + Có mùi thơm ngon riêng của từng loại thực phẩm.
   + Lớp vẹc ni trong hộp còn nguyên vẹn, không hoen ố, không có mùi tanh kim loại, không mùi khó chịu...
- Mác nhãn ghi đầy đủ thông tin
   + Tên sản phẩm
   + Thành phần chính có trong sản phẩm, các chất phụ gia...
   + Trọng lượng
   + Nơi, địa chỉ sản xuất
   + Hướng dẫn sử dụng
   + Số đăng ký chất lượng
   + Thời gian bảo hành, hạn sử dụng...
Thực phẩm công nghiệp trước hết phải đạt yêu cầu về cảm quan và các qui định về nhãn mác...
6. Rau
- Không chọn rau ăn lá có màu xanh quá đậm do việc bón phân đạm, phun thuốc bảo vệ thực vật gần ngày thu hoạch, làm cho rau có màu xanh đậm bóng mượt và đẹp mã...: dễ bị ngộ độc do dư lượng nitrate trên lá rau, dư lượng thuốc trừ sâu cao...
- Hạn chế ăn các loại rau ăn lá như cải xanh, cải ngọt, cải bẹ trắng, cải bông... là loại rau có nhiều loại sâu khó trị, diện tích hứng thuốc trừ sâu lớn, khó rửa sạch hơn... nên nguy cơ ngộ độc sẽ cao hơn. Rau muống nước trong những năm gần đây cũng thường bị ô nhiễm cả thuốc trừ sâu và kim loại nặng...
- Trong mùa khô cần giảm lượng rau ăn lá (vì côn trùng gây hại rau nhiều hơn, phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn, không được rửa trôi như trong mùa mưa... nên dư lượng thuốc trừ sâu nhiều hơn và sự ngộ độc sẽ nhiều hơn), bổ sung bằng các loại rau quả khác ít có nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật như bầu, bí, mướp...
- Có ý kiến cho rằng các loại rau có nhiều vết sâu cắn phá là an toàn hoặc rửa rau bằng các loại nước rửa rau quả bán trên thị trường là an toàn. Nhận xét này hoàn toàn không đúng vì hai lý do cơ bản sau:
   + Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng lúc, không đúng loại, không đúng tác nhân... thì dù pha loại thuốc rất độc, nồng độ cao nhưng sâu vẫn không chết, vẫn cắn phá rau như thường... trong khi dư lượng thuốc trừ sâu rất cao, ăn vào vẫn bị ngộ độc, thậm chí tử vong...
   + Các nước rửa rau quả chỉ có tác dụng rửa được một số hóa chất có nhũ dầu hoặc không có nhũ dầu bám trên bề mặt của rau quả, các bùn đất bám trên bề mặt rau quả... Còn các loại hóa thuốc có tác dụng thẩm thấu, lưu dẫn ngấm vào sâu trong nông sản phẩm thì không có giá trị, không có tác dụng gì cả...
Sưu tầm *
* BS. Trần Ngọc Trinh Chinh và BS. Nguyễn Thị Thu Cúc, 2003. Vệ sinh an toàn thực phẩm với Đời sống văn hóa - sức khỏe.  Nhà xuất bản tổng hợp Đồng Nai, trang 75 - 79.

0 comments :